Trường Cao đẳng Bách Khoa tăng cường đào tạo gắn với doanh nghiệp phát triển nhân lực chất lượng cao

5/5 - (1 vote)

Trong xu thế phát triển kinh tế số và công nghiệp hiện đại, yêu cầu về nguồn nhân lực ngày càng trở nên khắt khe, không chỉ về kiến thức chuyên môn mà còn về kỹ năng nghề nghiệp, khả năng thích ứng và tư duy thực tiễn. Để đáp ứng xu thế này, Trường Cao đẳng Bách Khoa triển khai mô hình đào tạo gắn kết với doanh nghiệp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và tăng cơ hội việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp.

Gắn kết thực tiễn từ sớm, định hướng nghề nghiệp rõ ràng

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê năm 2023, Việt Nam hiện có hơn 2 triệu sinh viên theo học mỗi năm. Tuy nhiên, chỉ khoảng 60% trong số này tìm được việc làm đúng chuyên ngành sau khi ra trường. Con số này phản ánh sự thiếu gắn kết giữa đào tạo và nhu cầu của thị trường lao động, gây ảnh hưởng trực tiếp đến năng lực thích ứng của người học.

Trước bối cảnh đó, Trường Cao đẳng Bách Khoa chủ trương đưa sinh viên tiếp cận doanh nghiệp ngay từ năm học đầu tiên, thông qua chuỗi hoạt động trải nghiệm định hướng nghề nghiệp. Các chuyến tham quan doanh nghiệp, quan sát mô hình sản xuất, tiếp xúc với môi trường làm việc thực tế… giúp sinh viên sớm hình thành tư duy nghề nghiệp đúng đắn.

Sinh viên khoa Du lịch – Nhà hàng – Khách sạn Trường Cao đẳng Bách Khoa tham quan trải nghiệm tại khách sạn Intercontinental Weslake lắng nghe chia sẻ từ các quản lý
Sinh viên ngành Du lịch – Nhà hàng – Khách sạn tham quan khách sạn 5 sao InterContinental Hanoi Westlake

Song, nhà trường thường xuyên tổ chức các buổi tọa đàm, talkshow với sự tham gia của chuyên gia nhân sự và kỹ thuật từ các doanh nghiệp lớn. Các hoạt động này giúp sinh viên có cơ hội cập nhật xu hướng nghề nghiệp, hiểu rõ yêu cầu tuyển dụng và trau dồi kỹ năng mềm. Đây là những yếu tố cần thiết trong môi trường làm việc hiện đại.

Đào tạo gắn với thực hành

Từ nền tảng trải nghiệm ban đầu, sinh viên được tiếp cận các chương trình thực tập chuyên ngành ngay trong quá trình học. Mô hình “đào tạo gắn với doanh nghiệp” được Trường Cao đẳng Bách Khoa triển khai sâu rộng với hơn 500 đơn vị đối tác trong và ngoài nước, trải dài ở nhiều lĩnh vực như kỹ thuật – công nghệ, dịch vụ, công nghệ thông tin, kinh tế – xã hội.

Cụ thể, sinh viên ngành Điện – Điện tử thực tập tại LG Display Việt Nam Hải Phòng, được tham gia dây chuyền sản xuất hiện đại. Sinh viên ngành Công nghệ Ô tô được thực hành trong xưởng gara thực tế của doanh nghiệp, với trang thiết bị hiện đại, cho phép thao tác trực tiếp trên động cơ, linh kiện, làm quen với tình huống kỹ thuật thực tế.

Sinh viên ngành Công nghệ kỹ thuật điện điện tử chụp hình lưu niệm cùng thầy cô tại công ty LG Display Việt Nam Hải Phòng
Sinh viên ngành Điện – Điện tử thực tập tại LG Display Việt Nam (Hải Phòng)

Đối với khối ngành Du lịch – Nhà hàng – Khách sạn, sinh viên ngành Quản trị Khách sạn thực tập tại khách sạn 5 sao L7 West Lake Hà Nội by Lotte, trải nghiệm làm việc tại các bộ phận Lễ tân, Buồng phòng và Nhà hàng – Bar. Qua các buổi thực hành nghiệp vụ, sinh viên học được cách tổ chức sát với chuẩn nghề, đảm bảo thành thạo kỹ năng và tác phong chuyên nghiệp.

ThS Nguyễn Văn Trường, Chủ tịch HĐQT, phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Bách Khoa, nhận định: “Chúng tôi luôn xác định doanh nghiệp là một mắt xích quan trọng trong định hướng giáo dục nghề nghiệp. Không chỉ tạo điều kiện cho sinh viên thực hành, các doanh nghiệp còn đồng hành trong việc xây dựng chương trình đào tạo, cập nhật công nghệ và định hướng nghề nghiệp cho người học.

Kết nối doanh nghiệp để tạo việc làm thực chất cho sinh viên

Cùng với việc đổi mới chương trình đào tạo, Trường Cao đẳng Bách Khoa tích cực xây dựng quan hệ hợp tác với các doanh nghiệp lớn. Hiện nay, nhà trường đang hợp tác với các tập đoàn như Samsung, LG Việt Nam, Honda Việt Nam, FUNA-AI Việt Nam, Vinfast…

Trong tháng 2/2025, nhà trường ký kết thỏa thuận hợp tác với AEON Việt Nam về đào tạo nhân lực ngành bán lẻ. Ngoài việc hỗ trợ đào tạo chuyên môn, nhiều doanh nghiệp còn đồng hành cùng nhà trường thông qua việc tài trợ thiết bị thực hành, góp phần nâng cao điều kiện học tập cho sinh viên.

Đầu tháng 3/2025, Honda Việt Nam đã trao tặng xe ô tô phục vụ đào tạo thực hành cho sinh viên ngành Công nghệ Ô tô. Thiết bị này được đưa vào sử dụng tại xưởng đào tạo của trường, giúp sinh viên làm quen với công nghệ hiện đại, nâng cao kỹ năng thao tác và hiểu rõ quy trình kỹ thuật thực tế.

Đại diện Honda Việt Nam chụp hình lưu niệm với Ban giám hiệu trường Cao đẳng Bách Khoa cùng giảng viên và sinh viên khoa Công nghệ ô tô
Honda Việt Nam trao tặng thiết bị phục vụ giảng dạy và học tập cho trường Cao đẳng Bách Khoa

Những hoạt động hợp tác này không chỉ cho thấy vai trò đồng hành tích cực của doanh nghiệp trong quá trình đào tạo, mà còn thể hiện rõ định hướng của nhà trường trong việc xây dựng chương trình đào tạo sát với nhu cầu tuyển dụng. Qua đó, sinh viên được tạo điều kiện tiếp cận môi trường làm việc chuyên nghiệp, tích lũy kinh nghiệm thực tiễn và mở rộng cơ hội phát triển sau khi tốt nghiệp.

Theo ThS Nguyễn Văn Trường, Chủ tịch HĐQT, phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Bách Khoa, việc tăng cường hợp tác với doanh nghiệp đã góp phần làm cho chương trình đào tạo bám sát thực tế tuyển dụng, đồng thời tạo điều kiện để sinh viên sớm tiếp cận môi trường làm việc, tích lũy kinh nghiệm và mở rộng cơ hội nghề nghiệp sau tốt nghiệp.

Tăng cường hợp tác quốc, mở rộng cơ hội nghề nghiệp

Bên cạnh hợp tác trong nước, nhà trường tích cực mở rộng liên kết quốc tế nhằm tạo cơ hội học tập và việc làm ở nước ngoài cho sinh viên. Đến nay, trường đã hợp tác với nhiều cơ sở giáo dục tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc và Đức.

Phần kí kết MOU giữ Trường Cao đẳng Bách Khoa, Đại học Konyang và Tập đoàn ICOgroup
Trường Cao đẳng Bách Khoa ký kết MOU với Đại học Konyang

Tháng 3/2025, Trường Cao đẳng Bách Khoa ký kết chương trình trao đổi sinh viên với Đại học Konyang (Hàn Quốc), mở ra cơ hội du học nghề theo diện visa D2-6. Ngoài ra, nhà trường còn triển khai hợp tác với Tập đoàn ASG (Đức), nhằm hỗ trợ sinh viên có thêm cơ hội việc làm tại châu Âu.

Xây dựng hệ sinh thái đào tạo bền vững

Theo báo cáo từ Bộ Nội vụ, giai đoạn 2016–2024, tỷ lệ lao động qua đào tạo đã tăng từ 53,6% lên 69%, trong đó lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 28,1%. Kết quả này phản ánh rõ vai trò của việc đổi mới phương thức đào tạo, trong đó có sự tham gia sâu của doanh nghiệp.

Theo ông Nguyễn Văn Hồi, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cần tiếp tục đẩy mạnh phối hợp giữa cơ sở giáo dục và doanh nghiệp trong tất cả các khâu: từ tuyển sinh, đào tạo đến giới thiệu việc làm.

Trường Cao đẳng Bách Khoa xác định rõ, phát triển nguồn nhân lực không thể là nhiệm vụ đơn lẻ. Chỉ khi doanh nghiệp và nhà trường cùng tham gia một cách chủ động và có chiến lược dài hạn, hệ sinh thái đào tạo mới đạt được hiệu quả bền vững, hướng tới mục tiêu chung là nâng cao năng lực cạnh tranh của người học trên thị trường lao động.



Kết nối với chúng tôi