Theo Cục Vệ sinh An toàn Thực phẩm – Bộ Y tế, các nguyên nhân chủ yếu dẫn đến ngộ độc thực phẩm là do vi sinh vật, hoá chất, độc tố tự nhiên và do thức ăn hư hỏng, biến chất. Các tác nhân trên đều có thể xảy ra qua đường ăn uống, chế biến và bảo quản thực phẩm. Những nơi có nguy cơ cao để xảy ra mất vệ sinh an toàn thực phẩm là các cơ sở kinh doanh dịch vụ thức ăn đường phố, cơ sở phục vụ bữa ăn tập thể không được cấp phép, quán ăn vỉa hè.
Mục lục
1. Tầm quan trọng của Vệ sinh An toàn Thực phẩm
- Đảm bảo cho người ăn tránh bị ngộ độc do ăn phải thức ăn bị ô nhiễm hoặc có chất độc.
- Là nguồn cung cấp chất dinh dưỡng cho sự phát triển của cơ thể, đảm bảo sức khỏe con người.
- Sử dụng các thực phẩm không đảm bảo vệ sinh trước mắt có thể gây ra ngộ độc cấp tính, sử dụng lâu dài thực phẩm không an toàn có thể ảnh hưởng đến các vấn đề sức khỏe, thậm chí đến sự phát triển của các thế hệ sau.
2. Nguyên nhân gây mất vệ sinh an toàn thực phẩm:
- Thực phẩm nhiễm vi sinh độc hại
- Các hoá chất không được phép sử dụng nhưng vẫn được người sản xuất, kinh doanh sử dụng trong chăn nuôi, bảo quản, chế biến thực phẩm như: hàn the, màu công nghiệp đặc biệt phẩm Sudan…
- Các hoá chất được phép sử dụng trong chế biến thực phẩm, nhưng lại được dùng quá hàm lượng cho phép.
- Dư lượng thuốc trừ sâu, diệt nấm, kim loại nặng trên rau quả vượt quá mức cho phép.
- Chất độc gốc tự nhiên trong một số thuỷ sản như cá nóc, mực xanh…trong một số thực phẩm như măng, sắn.
- Chất độc sinh ra trong quá trình bảo quản không tốt như các loại hạt ngô, đậu tương, lạc… bị mốc.
- Chất độc gốc môi trường: kim loại nặng, dioxin ….
3. Một số giải pháp
3.1. Nhà sản xuất:
- Tuân thủ các quy định về VSATTP trong sản xuất, lưu hành sản phẩm đúng theo tiêu chuẩn chất lượng đã công bố hoặc đã được chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy.
- Không được sử dụng hoá chất phụ gia ngoài danh sách cho phép, nguyên liệu, hoá chất phụ gia không có nguồn gốc rõ ràng.
- Tuân thủ hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến trong sản xuất để tạo ra được sản phẩm đảm bảo VS ATTP có sức cạnh tranh mạnh, đáp ứng ngày càng cao, an toàn cho người tiêu dùng.
3.2. Người tiêu dùng:
Để bảo đảm sức khỏe cho bản thân, gia đình, cần tuân thủ 10 nguyên tắc vàng về vệ sinh an toàn thực phẩm như sau:
- Chọn thực phẩm an toàn: Lựa chọn thực phẩm tươi, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, tránh thực phẩm có dấu hiệu hư hỏng hoặc nghi ngờ về chất lượng.
- Nấu chín kỹ thức ăn: Đảm bảo nhiệt độ bên trong thực phẩm đạt trên 70 độ C, để tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh.
- Ăn ngay sau khi nấu: Thức ăn càng để lâu, càng dễ bị nhiễm khuẩn, nên ăn ngay sau khi vừa nấu xong.
- Bảo quản cẩn thận thức ăn đã nấu chín: Giữ thức ăn ở nhiệt độ thích hợp (trên 60 độ C hoặc- 10 độ C) để ngăn ngừa sự phát triển của vi khuẩn.
- Nấu lại thức ăn thật kỹ: Các loại thức ăn đã nấu chín mà để quá 5 tiếng, cần được đun kỹ lại trước khi ăn.
- Tránh nhiễm khuẩn chéo: Không để thực phẩm chín và sống tiếp xúc với nhau, hoặc với các bề mặt bẩn, để ngăn ngừa vi khuẩn lây lan.
- Rửa tay sạch: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch trước khi chế biến thực phẩm và trước khi ăn, đặc biệt sau khi tiếp xúc với thực phẩm sống hoặc các bề mặt có nguy cơ nhiễm khuẩn.
- Giữ sạch các bề mặt chế biến thực phẩm: Đảm bảo các bề mặt, dụng cụ dùng để chế biến thực phẩm luôn sạch sẽ, khô ráo.
- Che đậy thực phẩm: Che đậy thực phẩm cẩn thận để tránh sự xâm nhập của côn trùng và các loại động vật khác.
- Sử dụng nguồn nước sạch an toàn: Nguồn nước sử dụng để ăn uống, chế biến thực phẩm phải đảm bảo sạch, không màu, không mùi lạ và không chứa mầm bệnh.
3.3. Xử lý khi có ngộ độc thực phẩm:
- Khi phát hiện hoặc nghi ngờ bị ngộ độc thực phẩm, phải đình chỉ việc sử dụng và niêm giữ toàn bộ thức ăn đó lại (kể cả chất nôn, phân, nước tiểu…) để xác minh, báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất đến xử trí kịp thời hoặc đưa người bị ngộ độc đi bệnh viện.
- Vệ sinh, tẩy uế khu vực có chất nôn, phân, nước tiểu của người bị ngộ độc thực phẩm và thực hiện chế độ cách ly nghiêm ngặt đề phòng sự lây lan của dịch bệnh.
- Thường xuyên thực hiện các biện pháp diệt ruồi, nhặng, gián, chuột…và các hướng dẫn vệ sinh phòng chống dịch bệnh theo chỉ đạo của ngành y tế.
Đảm bảo an toàn thực phẩm là trách nhiệm của mỗi cá nhân, gia đình và toàn xã hội. Thực hiện tốt các biện pháp trên sẽ góp phần bảo vệ sức khỏe, phòng tránh các bệnh liên quan đến thực phẩm và xây dựng một cộng đồng khỏe mạnh.