Câu chuyện của cựu sinh viên lựa chọn công tác tại khoa Công nghệ Ô tô sau tốt nghiệp

5/5 - (4 votes)

Phan Hồng Phong, cựu sinh viên K13 ngành Công nghệ Ô tô của Trường Cao đẳng Bách Khoa, hiện tại đang là giảng viên tập sự tại khoa Công nghệ Ô tô của trường. Mặc dù chỉ mới chỉ đặt những bước chân đầu tiên trong sự nghiệp giáo dục, Phong đã chia sẻ những câu chuyện đầy cảm xúc về hành trình từ sinh viên đến giảng viên của mình.

Câu chuyện cựu sinh viên lựa chọn ở lại công tác tại Trường Cao đẳng Bách Khoa
Câu chuyện cựu sinh viên lựa chọn ở lại công tác tại Trường Cao đẳng Bách Khoa

Một sự gắn bó đặc biệt với trường

Phong – một chàng trai rắn rỏi có niềm đam mê sâu sắc với ngành công nghệ ô tô không chỉ vì tính chất kỹ thuật mà còn vì sự phát triển mạnh mẽ và tiềm năng lớn của ngành này trong tương lai. “Trường Cao đẳng Bách Khoa đã cung cấp cho mình những nền tảng vững chắc để bước vào ngành công nghiệp ô tô,” Phong chia sẻ.

Trong năm học cuối, Phong đã được lựa chọn đại diện Khoa Công nghệ Ô tô tham gia kỳ thi Kỹ năng nghề cấp thành phố Hà Nội năm 2023 nghề Công nghệ Ô tô và mang về thành tích cho nhà trường. Bên cạnh đó, chàng sinh viên khi ấy cũng nhận được sự đánh giá cao từ ban giám khảo cuộc thi về tay nghề và tinh thần thi đấu.

Phan Hồng Phong tham gia kỳ thi Kỹ năng nghề cấp thành phố Hà Nội năm 2023
Phan Hồng Phong tham gia kỳ thi Kỹ năng nghề cấp thành phố Hà Nội năm 2023

Chuyển từ sinh viên sang giảng viên: Cảm giác mới mẻ và thử thách

Hiện tại, Phong đảm nhận công việc trợ giảng và kỹ thuật viên tại khoa Công nghệ Ô tô. Phong cho biết những kinh nghiệm trong quá trình học tập đã hỗ trợ rất nhiều trong công việc giảng dạy. “Khi còn là sinh viên,mình được học nền tảng vững chắc về ngành công nghệ ô tô. Những kiến thức đó giờ đây mình có thể vận dụng để truyền đạt lại cho các bạn sinh viên mới,” Phong nói.

Chàng trai luôn quyết tâm hoàn thành mọi công việc
Chàng trai luôn quyết tâm hoàn thành mọi công việc

Phong nhận thấy sự khác biệt lớn nhất khi chuyển từ “người học” thành “người dạy”. “Khi còn là sinh viên, mình chỉ tập trung vào việc tiếp thu kiến thức và hoàn thành bài tập, bài thi. Tuy nhiên, khi trở thành giảng viên, mình không chỉ tiếp thu mà còn phải truyền đạt những kiến thức đó cho các bạn sinh viên,”. Điều này không chỉ đòi hỏi anh chàng cựu sinh viên này phải vững về chuyên môn mà còn phải có khả năng tổ chức và sắp xếp bài giảng sao cho dễ hiểu và thú vị.

Từ sinh viên đến giảng viên: Những thử thách và cơ hội

Ban đầu, Phong không nghĩ sẽ làm việc trong lĩnh vực giáo dục. Với tâm thế của một chàng sinh viên chuẩn bị ra trường, Phong có suy nghĩ rằng sẽ làm công việc kỹ sư trong ngành ô tô một vài năm rồi mở một gara nhỏ. Tuy nhiên, sau khi được các thầy cô tạo điều kiện ở lại làm giảng viên tại trường, Phong đã quyết định gắn bó lâu dài với nghề giảng dạy. Anh nhận thấy ngành công nghệ ô tô đang phát triển không ngừng và công việc giảng dạy không chỉ giúp anh học hỏi thêm mà còn đóng góp vào việc đào tạo những thế hệ sinh viên có tay nghề vững chắc, sẵn sàng gia nhập thị trường lao động.

“Các thầy cô, đặc biệt là Thầy Phạm Ngọc Tuân và Thầy Nguyễn Thanh Hải, đã chia sẻ rất nhiều điều về lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Và những điều đó giúp mình cảm thấy muốn học hỏi thêm và gắn bó lâu dài với ngành giáo dục,” Phong chia sẻ.

Cảm giác đặc biệt khi làm việc với thầy cô cũ

Một trong những điều đặc biệt Phong cảm nhận khi làm việc tại khoa Công nghệ Ô tô là sự quen thuộc, vì nhiều giảng viên trong khoa chính là những người đã từng dạy anh khi còn là sinh viên. Ban đầu, Phong nghĩ rằng môi trường làm việc sẽ dễ dàng vì anh đã quen thuộc với các thầy cô và phong cách giảng dạy của khoa. Tuy nhiên, Phong sớm nhận ra rằng việc chuyển từ sinh viên sang giảng viên cũng mang đến nhiều thử thách mới. “Khi còn là sinh viên, tôi luôn ngưỡng mộ các thầy cô vì sự am hiểu chuyên môn và phương pháp giảng dạy. Tuy nhiên, khi trở thành đồng nghiệp, tôi nhận thấy có một áp lực ngầm là phải chứng minh bản thân không chỉ xứng đáng với sự kính trọng đó, mà còn phải phát triển và hoàn thiện hơn nữa trong công việc.”

Phan Hồng Phong trong giờ học thực hành khi là sinh viên năm thứ Hai
Phan Hồng Phong trong giờ học thực hành khi là sinh viên năm thứ Hai

Cơ hội và bài học quý giá trong nghề giáo

Mặc dù có những thử thách, nhưng Phong cho biết việc làm việc với các giảng viên từng là thầy cô của mình lại mang đến nhiều cơ hội quý giá. Anh có thể học hỏi từ kinh nghiệm giảng dạy của các thầy cô, cách xử lý tình huống trong lớp học và giao tiếp với sinh viên.

Công tác tại Trường Cao đẳng Bách Khoa cũng giúp Phong nhận thức rõ hơn về tính chuyên nghiệp và trách nhiệm trong công việc. “Việc phát triển bản thân không chỉ trong chuyên môn mà còn trong cách xây dựng mối quan hệ với sinh viên và đồng nghiệp là một trong những bài học quý giá mà tôi đã học được,” Phong nói.

Phan Hồng Phong có mặt tại lễ khai giảng năm học mới 2024 - 2025 với một cương vị mới
Phan Hồng Phong có mặt tại lễ khai giảng năm học mới 2024 – 2025 với một cương vị mới

Nỗ lực học hỏi và phát triển không ngừng

Hiện tại, Phong vẫn tiếp tục học lên cao hơn và nghiên cứu nhiều hơn để có thể hoàn thành tốt các công việc của khoa. Anh luôn ý thức rằng công việc giảng dạy không chỉ đòi hỏi kiến thức chuyên môn vững vàng mà còn cần có sự đổi mới sáng tạo và phương pháp giảng dạy hiệu quả.

Chúc Phong tiếp tục gặt hái nhiều thành công trên con đường sự nghiệp giáo dục, truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ sinh viên và tiếp tục góp phần phát triển ngành công nghệ ô tô tại Trường Cao đẳng Bách Khoa.



Kết nối với chúng tôi