Định hướng chọn ngành phù hợp cho học sinh lớp 12: Cân đối năng lực, điều kiện gia đình và nhu cầu xã hội

5/5 - (1 vote)

Thời điểm này, học sinh lớp 12 bước vào giai đoạn hoàn thiện kiến thức và lựa chọn ngành học, bậc học cho mình. Đây là bước ngoặt đầu tiên góp phần quyết định con đường tương lai và sự thành công của các em sau này. Tuy nhiên, nhiều học sinh hiện vẫn còn lúng lúng trong lựa chọn hoặc không dám mạnh dạn thể hiện nguyện vọng của mình.

Lơ mơ chọn nghề
 
Thời hạn đăng kí hồ sơ đại học sắp đến, nhưng nhiều học sinh lớp 12 vẫn còn đang phân vân và mơ hồ trong việc lựa chọn ngành nghề. Có thể thấy, ít em chọn ngành vì sự đam mê, yêu thích. Đa số nhắm vào các tiêu chí như trường “tốt”, ngành “hot” hay đi theo truyền thống của gia đình… Có ý kiến cho rằng chọn ngành “hot” hay trường tốt chưa thực sự đúng. Vì sự lựa chọn ngành nghề đúng đắn là phải biết cân đối giữa năng lực, sở thích, năng khiếu cá nhân với điều kiện gia đình cũng như nhu cầu của xã hội.
 
Khi được hỏi về sự hiểu biết về ngành nghề mình chuẩn bị đăng kí thi, nhiều học sinh vẫn lúng túng và đưa ra các câu trả lời chung chung như: đó là ngành liên quan đến khối ngành kinh tế hay xã hội, thuộc khối A, B , C, D hoặc do người thân định hướng… Các bạn vẫn chưa hình dung ra được rằng khi ra trường mình sẽ làm gì, ngành nghề đó có hợp với tính cách và năng lực của mình hay không.
 
Đặc biệt, phần lớn học sinh hiện nay vẫn chú trọng đến các khối ngành kinh tế và ít quan tâm đến các khối ngành xã hội. Các bạn cho rằng khối ngành xã hội sẽ khó làm ra nhiều tiền hơn khối ngành kinh tế. Vì lí do này mà có nhiều học sinh yêu thích, nhưng vẫn “rụt rè” khi quyết định đăng kí học các ngành khối xã hội.
 
Nhiều ý kiến khẳng định, để xảy ra tình trạng học sinh còn lơ mơ trong định hướng nghề nghiệp là do công tác hướng nghiệp tại các trường THPT chưa đạt được hiệu quả cao, chưa phân luồng được học sinh sau THPT. Nên đã khiến nhiều học sinh chưa xác định rõ ràng lợi thế bản thân, chưa biết được đam mê, sở thích của mình đối với một ngành nghề cụ thể nào, hoặc chưa đánh giá đúng năng lực học tập. Có em còn thụ động trong việc học và hành, không ít em còn phụ thuộc, ỷ vào định hướng gia đình, thậm chí là chịu áp lực của gia đình khi chọn nghề nghiệp.
 
Thực tế khi được hỏi, nhiều học sinh cho rằng, điều mình muốn biết khi chọn trường ĐH để thi vào là trường đó có những khối gì, điểm chuẩn bao nhiêu hay học nghề gì để kiếm được nhiều tiền… mà chưa hiểu ngành đó học những gì, cần những tố chất gì, hay học ra để làm gì…
 
Định hướng chọn ngành phù hợp cho học sinh lớp 12 Cân đối năng lực, điều kiện gia đình và nhu cầu xã hội
Định hướng chọn ngành phù hợp cho học sinh lớp 12 Cân đối năng lực, điều kiện gia đình và nhu cầu xã hội
 
Chọn nghề cần đam mê
 
Theo TS Phạm Mạnh Hà, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ và Tư vấn tâm lí trường ĐH KHXH&NV, chọn nghề, hay nói đúng hơn là đi tìm sứ mệnh nghề nghiệp là một công việc lâu dài, khó khăn và không đơn giản. Nó đòi hỏi mỗi cá nhân phải dành nhiều thời gian, tâm sức để tìm hiểu và lựa chọn ra một lĩnh vực nghề nghiệp mà bản thân có nhiều cơ hội để theo đuổi, để phát triển và mang lại cho mình niềm vui, niềm hạnh phúc trong cuộc sống.
 
Tuy nhiên, việc chọn nghề của các học sinh hiện nay mang nặng tính thực dụng như: nghề nghiệp này có dễ xin việc làm hay không, có thu nhập cao hay không, được làm việc ở thành phố hay không… chứ ít người chú ý tới nội dung, ý nghĩa và giá trị xã hội của nghề nghiệp cũng như sự phù hợp của nghề nghiệp với xu hướng, nguyện vọng của bản thân.
Cũng theo TS Nguyễn Mạnh Hà, khi các học sinh quyết định lựa chọn một lĩnh vực nghề nghiệp để xây dựng một sự nghiệp vững chắc cho bản thân và đóng góp cho xã hội, các bạn cần cẩn trọng tìm hiểu xem bản thân thực sự thích thú với loại công việc nào; năng lực sức khoẻ, thể chất của mình ra sao; mình thích làm việc trong môi trường như thế nào; mong muốn về tiền lương, cơ hội thăng tiến ra sao… Sau đó các bạn mới đi tìm kiếm loại công việc đáp ứng được nhiều nhất những mong muốn và khả năng của mình. Tiếp theo các bạn phải tìm các cơ sở đào tạo có đào tạo lĩnh vực nghề nghiệp mà mình đã lựa chọn. Cuối cùng căn cứ vào điều kiện gia đình, năng lực học tập để lựa chọn một cơ sở đào tạo phù hợp.
 
Lựa chọn nghề nghiệp ngoài việc căn cứ vào thông tin tuyển dụng của các Công ty thì các trường THPT, các thầy giáo, cô giáo là một kênh rất tốt để định hướng nghề nghiệp cho các em. Việc cung cấp thông tin về hệ thống các trường trung cấp, cao đẳng, đại học, xu hướng phát triển ngành nghề trong tương lai… giúp các em làm quen với bậc học mà mình có thể đeo đuổi, theo đúng nguyện vọng cũng như sở trường nhưng cũng phù hợp với nhu cầu xã hội…
 
Với nhiều gia đình, việc quan tâm tới định hướng nghề nghiệp cho các em cũng rất quan trọng. Tuy nhiên, các bậc cha mẹ cần tìm hiểu thông tin và hiểu rõ năng lực, sở thích của con mình để tránh lúng túng trong việc định hướng nghề nghiệp đặc biệt tránh áp đặt con cái phải theo ngành nghề bố mẹ lựa chọn.
 
Thông tin được Cao Đẳng Bách Khoa tổng hợp


Kết nối với chúng tôi